Trong số những dấu son oanh liệt nhất, quy mô lớn nhất tại Đèo Giàng, chúng ta phải kể đến trận đánh tại km 187 - 188 Đèo Giàng vào ngày 12/12/1947. Hôm ấy, quân và dân ta đã tiến công vào đoàn xe cơ giới của địch gồm 22 chiếc xe tăng, xe thiết giáp, xe ô tô tải và xe Jeep chở lính lọt vào trận địa phục kích của trung đoàn 165 (trung đoàn Thủ đô).
Quân dân ta đã quyết định chọn trận địa phục kích là một đoạn đường hiểm trở, bên này là vách núi cao đựng đứng, bên kia là vực sâu khiến địch đã rơi vào thế bị cô lập hoàn toàn. Từ những loạt đạn tấn công đầu tiên, quân dân ta đã khiến quân địch bối rối trở tay không kịp.
Sau cùng, đã tiêu diệt được 60 tên địch, đốt cháy 17 xe cơ giới và thu được 2 triệu đồng Đông Dương cùng nhiều vũ khí quân trang, quân dụng khác. Qua trận đánh này, quân ta đã đúc kết được kinh nghiệm về chiến thuật phục kích cấp tiểu đoàn cho các trận phục kích đánh địch trong thời kì chống Pháp.
Sau thắng lợi này, Đèo Giàng đã trở thành một nơi gắn với những chiến công của quân và dân ta liên tiếp giành được trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, trở thành một địa danh lịch sử, một niềm kiêu hãnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu khi nói về Việt Bắc cũng không quên nhắc đến địa danh này trong bài thơ rất nổi tiếng của mình:
“Mình về mình có nhớ không
Ta về ta nhớ Phủ Thông, Đèo Giàng”
Ngày nay, Đèo Giàng đã là một trong những khu di tích lịch sử của tỉnh Bắc Kạn được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc Gia. Nơi đây đã có nhiều thay đổi, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã cho xây một nhà bia kỷ niệm chiến thắng. Nhà bia được xây ngay gần vách núi trên một khu đất rộng có cửa sắt, tường rào bảo vệ, được làm bằng bê tông cốt thép, mái làm theo kiểu nhà cổ (4 mái đao, dán ngói mũi hài) trên bốn cột bê tông tròn sơn màu giả gỗ để trống bốn mặt.
Phía trong có đặt bia kỷ niệm tóm tắt ngắn gọn về chiến thắng Đèo Giàng năm 1947, bia được làm bằng đá, mặt bia hướng ra đường quốc lộ 3. Nền nhà bia được trồng hoa trang trí, đường lên nhà bia được xây bậc thang bằng gạch trát xi măng.